Ngày Bát Nhất đề cao tinh thần chiến đấu
Núi Nanh Sói hay Lang Nha Sơn, là tác phẩm thuộc thể loại Kinh kịch vừa ra mắt khán giản trong buổi công diễn hôm 31/07 tại Bắc Kinh để đề cao lòng ái quốc.
Vở kịch dựa trên cuốn truyện "Năm dũng sỹ trên Đỉnh Lang Nha" ca ngợi tinh thần quyết tử của quân Trung Quốc chống lại phát-xít Nhật thời Thế Chiến 2.
Nhưng nay, các chiến dịch cổ vũ lòng ái quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra rầm rộ trước Đại hội Đảng 19 cuối năm 2017 còn có mục tiêu hướng lòng yêu nước vào sự ủng hộ cho Đảng Cộng sản.
Nhân kỷ niệm 90 năm ngày quân cộng sản do Mao Trạch Đông, Chu Đức và Lâm Bưu chỉ huy đánh quân Tưởng Giới Thạch trong Khởi nghĩa Nam Xương (1927), chủ đề quân sự và ái quốc được tuyên truyền rất mạnh trên cả nước Trung Quốc.
Cùng lúc, các ý kiến "tiêu cực" ngay lập tức bị kiểm duyệt và lên án bởi đông đảo những người ủng hộ chính quyền trên các trang mạng như Sina Weibo và WeChat.
Bài "Bắc Kinh có 20 triệu người vờ sống tốt", nói công nghiệp hóa quá đà, di dân và chi phí đắt đỏ khiến nhiều người ở thủ đô Trung Quốc chỉ gắng tồn tại qua ngày, hơn là tận hưởng cuộc sống.
Bài viết được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi được đăng vào tuần trước.
Tác giả Trương sau đó đưa ra lời xin lỗi, dù nhiều người nói rằng ông bị ép buộc.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước đột nhiên nhấn mạnh những điều tích cực của cuộc sống ở Bắc Kinh.
Học tập các chiến sỹ Hải quân
Cũng nhân dịp này, hãng tin Tân Hoa nói thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh tổ chức các trại hè học tập quân sự cho sinh viên, học sinh trên chiến hạm mang tên Thích Kế Quang (Qi Jiguang - một vị tướng ở thế kỷ 16).
Trên chiếc tàu ̣đỗ ở cảng Lữ Thuận, các em được người hướng dẫn giới thiệu về lịch sử của Hạm đội Bắc Hải, và tham gia các đợt học về lý thuyết quân sự cùng luyện tập đi biển.
Hôm 30/07, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến căn cứ Chu Nhật Hòa (Zhurihe), ở Khu tự trị Nội Mông để chứng kiến lễ duyệt binh và diễn tập quân sự lớn có trình diễn phi cơ và thiết giáp đời mới.
Ông Tập Cận Bình cảnh cáo "kẻ xâm lăng" và nói Quân Giải phóng "có đủ sự tự tin cùng khả năng đánh bại kẻ thù nào dám xúc phạm" Trung Quốc, theo các hãng thông tấn.
Sang ngày 1/08, các báo Ấn Độ đưa tin bộ đội Trung Quốc đã đi sang vùng Barahoti thuộc Uttarakhand trong đất Ấn Độ chừng 1 km, dọc đường kiểm soát giới tuyến thực tế (Line of Actual Control - LAC).
Tuy nhiên, tin tức từ chính Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói tin về sự xâm nhập của Trung Quốc là không chính xác vì đây chỉ là sự khác biệt trong cách diễn giải vị trí của đường giới tuyến thực tế.
Dù vậy, điều chắc chắn là căng thẳng Trung - Ấn đang diễn ra tại cao nguyên Doklam gần biên giới ba nước: Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.
Còn tại Biển Đông, sau tin tức về sự căng thẳng quanh bãi Tư Chính, phía Nam quần Đảo Hoàng Sa, có tin trên trang Foreign Policy, trong bài của nhà báo Bill Hayton, viết rằng một tàu thăm dò địa chấn, HYSY760, được bảo vệ bởi một hạm đội nhỏ, đang trên đường đến khu vực này.
Bãi Tư Chính là nơi Việt Nam nói hoàn toàn thuộc chủ quyền của mình.
Trở lại bài học cho sinh viên Trung Quốc ở Cảng Lữ Thuận vùng Đông Bắc, nhìn ra biển Nhật Bản.
Con tàu mang tên vị tướng Thích Kế Quang, người không chỉ chống quân Nguyên mà còn học nhiều từ võ nghệ và chiến thuật của các băng đảng cướp biển người Nhật khi chỉ huy hạm đội duyên hải của Nhà Minh.
Một trong những phương châm của ông dạy cho binh sỹ trong bộ sách võ nhiều chương là "Võ nghệ muốn hiệu quả không cần phải đẹp mắt".
0 comments: